Diễn Đàn Để Học - Học Để Lập Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP

Go down

PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP Empty PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP

Bài gửi  Admin Sat Sep 26, 2009 1:59 am

PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP

Người viết : Nguyễn Thị Huế
Lớp : K58A-Khoa QLGD


I- LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

1 . Lý luận :

Học tập là một hoạt động làm thay đổi kinh nghiệm của người học một cách bền vững và quan sát được.Đó là một quá trình phức tạp không chỉ ở sự đa dạng trong các lĩnh vực học tập cuả người học mà còn phức tạp bởi sự phong phú trong phương pháp học tập của người học.
“Phương thức học tập là cách thức phương pháp chung nhất của con người thực hiện một hoạt động hay một công việc nào đó ”. Học tập là một hoạt động được thực hiện theo những phương thức mang tính phổ quát, những cũng có những phương thức mang tính đặc thù phụ thuộc vào tình huống và đặc điểm của cá nhân .
Xét theo hình thức hoạt động học tập có thể chia thành : phương thức học tập chính thức và phương thức học tập không chính thức. nhưng phương thức học tập không chính thức được đặc trưng bởi tính linh hoạt và phổ biến của hoạt động học tập trong mối quan hệ với môi trưòng và hoạt động sống của con người . Trong phương thức này nội dung học tập không được vạch định và tổ chức theo một kế hoạch cụ thể và mất đi tính hệ thống , tính chọn lọc xét theo giá trị chung về phương diện xã hội . Phương thức học tập chính thức được đặc trưng bởi tính có kế hoạch trong tổ chức , điều khiển hoạt động học tập, trong phương thức này nội dung học vấn ,việc học tập của người học tập của người học được tổ chức theo chương trình đã định
Ta thấy, phương thức học tập chính thức là phương pháp học tập áp dụng trong quá trình học tập những tri thức khoa học (bao gồm cả quá trình học trên lớp và quá trình tự học ở nhà) ; còn phương thức học tập không chính thức là phương pháp học tập áp dụng trong quá trình người học tự học các kiến thức về mặt xã hội thông qua sách, báo, truyền hình, tham quan, du lịch …Tuy nhiên ta không nên tách rời hai phương thức này mà cần phải biết kết hợp chúng với nhau trong quá trình học tập. Đây là một bài toán khó đặt ra cho mỗi sinh viên , làm sao để tạo ra cho mình một phương pháp học tập có thể kết hợp được cả hai phương thức trên nhằm đạt kết quả học tập cao nhất.
2 - Thực tiễn
Nhà triết học người pháp thế kỷ XIX, Đêcác đã nêu rõ:”tri thức gía trị nhất là tri thức về phương pháp “. Nếu nắm rõ được phương pháp, có nghĩa lắm được chìa khoá mở tất cả các kho báu tri thức . Trong hoạt động học của sinh viên , phương pháp học tập là rất cần, rất quan trọng . Bởi học ở Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành , ra sức học tập lý luận với khoa học tiên tiến của thế giới chứ không đơn giản như ở bậc THPT . Vậy làm sao để có cách học tốt nhất, hợp lý nhất, ít tốn công nhất, mà lại thu được nhiều nhất , trong đó nắm cái gì là chủ yếu, là cơ bảncho mình lâu dài về sau . Nếu chúng ta tự vũ trang được một phương phápvững vàng thì có thể dùng nó suốt đời vì ta phải học mãi mãi . Hơn nữa cần biến phươ ng pháp thành thói quen làm cho nó trở thành nền nếp . Điều này là rất quan trọng , sau này suất đời chúng ta sẽ học tập làm việc theo phương đó, phương pháp hợp lý , thông minh , nó mãi mãi bắt buộc ta bởi nó là thói quen , nhưng sự bắt buộc này là tự nhiên , tất yếu , tự giác để mình có thể tiếp tục học tốt và học mãi .
Sự phát triển của xã hội loài người mà đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của khoa học buộc ta phải học tất cả những gì cần thiết, mặc dù cái đó có thi hay không thi. Vậy không nên đối lập giữa cái học và cái thi. Chúng ta học tập trở thành con người của chủ nghĩa xã hội , góp phần vào sự nghiệp to lớn chứ không phải học để thi , để có bằng cấp . Bằng cấp cũng có sự cần thiết của nó , nhưng không nên sùng bái bằng cấp . Cho nên cần học cho được tất cả những gì cần thiết dù có thi hay không thi .
Học ở đại học quan trọng là vận dụng trí tuệ của mình không chỉ để nghe, hiểu, nhớ những điều thầy giảng hay những điều sách viết , mà còn để tìm hiểu rộng hơn , sâu hơn và nếu liên hệ với đời sống , điều kiện nước ta để hiểu thì càng tốt . Có như vậy , nhà trường mới có thể đào tạo ra những con nghười có bản lĩnh ,có sức vươn lên, những con người dám nghĩ dám làm . Đất nước cần có những con người như vậy chứ không cần những người chỉ nghe , nhớ bài , thi đủ điểm ,có cái bằng để ra làm “ông cán bộ” như kiểu đi học để làm quan ngày xưa .
Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời . Không ai có thể tự cho mình đã biết tất cả . Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi , kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ , nhưng sự hiểu biết của chúng ta là có hạn . Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng vô tận đó thì chúng ta phải nghiên cứu , học tập .
Bản thân đã nhận thức được điều đó và tôi cho rằng khoảng thời gian học tập trong truờng học , đặc biệt là ở bậc Đại học – đó là khoảng thời gian quý báu nhất mà chúng ta có thể chuyên tâm vào việc bồi dưỡng tri thức cho bản thân .Vì vậy , yêu cầu đặt ra là cần phải xây dựng cho mình một phương pháp học hiệu quả để vừa có thể lắm vững tri thức khoa học được học ở trên lớp , vừa có thể tự trang bị cho mình lượng kiến thức nhất định về xã hội . Thực tế cho thấy , ai cũng có thể đặt ra cho mình một mục tiêu học tập tốt đẹp , tuy nhiên không phải ai cũng có thể xây dựng cho mình một phương pháp học tập hiệu quả để đạt được những mục tiêu đó .
Chính vì vậy tôi quyết định chọn viết về đề tài phương pháp học tập với mục đích sẽ giúp đựoc một phần nào đó cho những bạn đang gặp khó khăn trong việc xây dựng một phương pháp học tập cho riêng mình .




II – Giải quyết vấn đề
1- Phương pháp học tập chung nhất
Sau khi tìm hiểu và tổng hợp thông tin , sau đây tôi xin được đưa ra gợi ý của mình về phương pháp học tập mà các bạn có thể áp dụng . Đây chỉ là những đề xuất mang tính chất tham khảo chung vì không thể có một phương pháp học tập nào có thể áp dụng cho tất cả các môn học , cho tất cả mọi người .Việc lập một phương pháp học tập hiệu quả còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố , ví dụ như : đặc điểm môn học , điều kiện hoàn cảnh , đặc điểm tâm lý của mỗi người…
Quá trình học tập có thể được chia làm 3 giai đoạn như sau:


● Giai đoạn thứ nhất: Trước khi học
- Nhận thức ở đây có nghĩa là phải biết được yêu cầu mà quá trình học đòi hỏi . Việc học ở đây cần phải xác định rõ : nên học cái gì , học để làm gì , học như thế nào . Ví dụ như trước khi đọc một cuốn sách, ta cần xác định được rằng ta cần tìm kiếm thông tin gì từ nó , tránh tình trạng đọc dàn trải mất thời gian . Tiếp đó , bạn phải biết quản lý những đặc điểm tính cách của bạn . Giả sử bạn là người khó tính, khi đã ngồi rất lâu mà chưa tìm ra cách giải của một bài toán khó, đột nhiên bạn thấy bực mình và không muốn học nữa, hãy tìm cách để kiềm chế cơn giận đó. Có thể dùng một biện pháp đơn giản như : trước khi học, bạn hãy viết lên một mảnh giấy nhỏ dòng chữ: “ Tức giận chẳng giải quyết được vấn đề gì ” , để trước mặt , mỗi lần bạn bực tức hãy nhìn vào mảnh giấy đó, thư giãn một vài giây sau đó lại bắt tay vào làm lại từ đầu để tìm ra được vướng mắc của bài toán. Một biện pháp đơn giản hơn nữa mà bản thân tôi thường áp dụng đó là: mỗi khi tức giận , hãy tạm ngừng việc học, ngả lưng ra ghế, thả lỏng cơ thể rồi đếm ngựơc từ 10 đến 1. Cơn nóng giận sẽ tan biến nhanh chóng .
- Bước tiếp theo là lên kế hoạch,hãy phân chia thời gian cụ thể từng môn học một . Mục đích của thao tác này là để tránh việc nọ chồng chéo lên việc kia, để rồi cuối cùng không việc nào hoàn thành một cách chắc chắn cả . Để có một kế hoạch khả thi , khi tiến hành lập kế hoạch bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau :
+ Tổ chức sắp xếp thời gian : Lập thời gian biểu cụ thể , tính toán trước thời gian dành cho các công việc dự kiến .
+ Đảm bảo biết từng tri tiết nhiệm vụ : Đảm bảo tất cả những điều cần biết để hoàn hoàn thành nhiệm vụ học tập của từng môn học
+ Tạo cho mình môi trương làm việc yên tĩnh : Phải biết điều gì làm bạn mất tập trung để loại bỏ
+ Tạo cho mình niềm say mê học tập : Tốt nhất là bạn hãy dành vị trí đầu bảng trong bản kế hoạch cho môn học nào mà bạn yêu thích nhất
●Giai đoạn hai : Trong quá trình học
Tính linh hoạt trong việc đưa ra những lựa chọn đúng dắn là rất cần thiết trong giai đoạn này .hãy thử đặt mình vào trong tình huống sau : bạn đang cần chứng minh một bài toán nhưng để chứng minh được nó bạn cần áp dụng bất đẳng thức A nào đó . Tuy bất dẳng thức này thường được dùng nhưng phải chứng minh thế nào , lúc này bạn sẽ phải đặt mình trước hai sự lựa chọn :
- Thứ nhất : không cần chứng minh cứ thế làm tiếp để dành thời gian còn học các môn khác (A)
- Thứ hai : là cố gắng lục lọi lại cách chứng minh bất đẳng thức đó trong đống sách vở cũ dù mất khá nhiều thời gian (B)
Bạn chọn cách nào đây ? Tất nhiên trong hai phương án này bạn nên chọn B nếu như bạn không muốn rơi vào hoàn cảnh một ngày kia bạn gặp lại bài toán này trong bài kiểm tra . Bạn có muốn bị trừ điểm chỉ vì trong bài toán có dòng chữ áp dụng bất đẳng thức A mà không chứng minh ?
Trong bất kì tình huống nào, bạn cũng có hai sự lựa chọn: một sự lựa chọn mang ý nghĩa tiêu cực (A) , một sự lựa chọn mang ý nghĩa tích cực (B) . Vậy tại sao bạn không chọn điều tốt hơn ? Dưới đây là một số thông điệp tích cực mà bạn có thể đưa ra cho mình khi buộc phải lựa chọn :
• Tôi biết tôi có thể làm được việc này .
• Tư duy của tôi có thể thực hiện được điều đó .
• Tôi cam đoan là sẽ lắm vững đựoc điều này .
• Tất cả mọi thứ đềi ủng hộ tôi tiến tới mục tiêu .
• Càng thực hành tôi càng đặt được nhiều kết quả .
• Bây giờ tôi thực sự bắt tay vào làm điều đó .
• Tôi tiến bộ từng ngày .
• Bây giờ tôi đang đi đúng hướng .
• Thật là vui vẻ
• Trí óc tôi đã sẵn sàng
• Tôi thực sự tự hào về mình .
●Giai đoạn ba : Sau khi học xong
Trong giai đoạn cuối cùng bạn hãy tự thực hiện một “cuộc càn quét” lại những gì bạn đã học được . Chẳng hạn bạn có thể ghi vào một mảnh giấy cách chứng minh bất đẳng thức A (nêu trên) hay những công thức, định lý … mà bạn vừa học xong hoặc làm riêng cho mỗi bộ môn một quyển sổ nhỏ. Đây chính là quyển sổ tóm tắt lý thuyết của riêng bạn. Với cách này bạn sẽ nhớ lâu hơn những gì mình học được và cũng dễ dàng hơn nếu chẳng may bạn lại quên cách chứng minh bất đẳng thức A một lần nữa. Bạn sẽ không phải mất thời gian lục tìm lại đống sách vở cũ

2- Những thói quen có ích cho việc học tập hiệu quả
Bạn có thể chuẩn bị để thành công trong quá trình học tập . Hãy cố gắng tăng cường và cảm thấy hứng thú với thói quen sau:
- Tự có trách nhiệm với bản thân : trách nhiệm có nghĩa là nhận thức được rằng để thành công bạn phải có khả năng xác định rõ mục tiêu ưu tiên của bạn, thời gian và những điểm mạnh của bạn. Phải biết đặt bản thân vào vị trí trung tâm. Đừng để bạn bè và người khác áp đặt ra cho bạn điều gì là quan trọng .
- Việc hôm nay chớ để ngày mai: tuân theo những ưu tiên mà bạn đặt ra cho chính mình, và đừng để ai đó hay những ý thích của họ khiến bạn sao nhãng của những cái thích của mình .
- Khám phá ra thời điểm và nơi làm việc hiệu quả đối với bạn : sáng , chiều tối lúc nào là lúc bạn có thể tập trung nhất và làm việc có hiệu quả nhất ? Hãy dành khoảng thời gian này để làm việc khó nhất .
- Luôn coi mình là người chiến thắng :
Ý nghĩ chiến thắng sẽ giúp bạn trở thành người chiến thắng . Điều đó lý giải tại sao biết cách giữ thái độ chiến thắng là rất quan trọng . Sự sợ hãi thất bại chính là rào cản vô hình giữ bản trong thế giới riêng không có những thử thách , mạo hiểm , niềm vui , điều kỳ diệu và sự khen ngợi . Hay nói cách khác , nỗi sợ hãi sẽ ngăn bạn khai thác và khám phá khả năng của mình .
- Luôn tìm ra giải pháp tốt hơn cho một vấn đề :
Nếu bạn không hiểu sách giáo khoa viết gì , bạn không nên chỉ đọc lại , hãy thử một cách khác xem nào. Hãy thử hỏi ý kiến thầy cô hay bạn bè …. Đừng xấu hổ vì điều đó .

3- Một số kỹ năng cần thiết cho quá trình học tập
a- Kỹ năng đọc sách
Đọc sách cũng là một kỹ năng, hay nói theo cách khác đọc sách cũng là một kiểu văn hóa...
Có nhiều mục đích khi đọc sách: Đọc để giải trí, đọc để giết thời gian, đọc để lấy thông tin, đọc để trả lời một vấn đề, đọc để định hướng cho một vấn đề nghiên cứu...
Đối với sinh viên, và người học, đọc cần có chủ đích: Đọc làm gì, phục vụ cái gì và sẽ tìm đọc ở đâu .
Đọc một bài báo, khác với đọc cuốn sách hay một chương nào đó... nhưng đều có một ý cần hướng đến: Sau khi đọc một bài viết, cần có thói quen ghi lại những điều mình cảm thụ được: Đồng ý, không đồng ý, hay băn khoăn những điểm gì.
Tôi xin cung cấp một số kinh nghiệm để giúp việc đọc sách của các bạn có hiệu quả cao :
-Tư thế đọc hiệu quả : ngồi thẳng trên ghế trước , bàn chân đặt sát xuống sàn nhà , sách dựng ngay trước mặt .
- Bạn nên chọn một nơi thích hợp để đọc, nơi nào bạn cảm thấy mình có thể " nhập tâm " nhất..
- Bạn nên đọc từ đầu, từ chính những lời mở đầu, giới thiệu về tác giả tác phẩm, vì nhiều người không quan tâm đến vấn đề này lắm.,vì thế nếu bạn muốn hiểu sâu về vấn đề thì cần phải hiểu tổng quan trước. Cho nên bạn nên đọc mục lục, đọc những ý chính khái quát...
- Bạn nên đọc theo mục đích bạn đang dự định. Đó là bạn nghiên cứu hay muốn tìm kiếm điều gì thì bạn hãy đọc những phần có liên quan trước, sau đó mới đọc mở rộng ra...
- Bạn không nên đọc giàn trải, đọc từng từ một. Nó sẽ lấy mất của bạn
một lượng thời gian không nhỏ, mà lại không có hiệu quả cao. Bạn sẽ dễ quên hết thôi .
- Bạn không nên cố nhớ tất cả những gì bạn đọc được, bạn chỉ cần nhớ những ý chính làm bạn có thể nhớ ngay và liên tưởng đến vấn đề nào đó một cách dễ dàng.
- Đọc phải suy nghĩ, càng nhiều càng tốt. Nếu không suy nghĩ thì khó mà hiểu được. Một điều trong cuốn sách nhưng hôm nay không hiểu, ngày mai có thể hiểu nhờ chúng ta biết suy nghĩ.
- Ghi chép:
+ Dùng đại từ xưng hô là cái tôi (ví dụ tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ khác với tác giả, tôi có thể chứng minh nó đúng..). Chúng ta cần chú trọng việc phê phán (với nghĩa khoa học) các tác giả. Điều này khá quan trọng, vì nó giúp ta phát triển được cái tôi và kích thích tính sáng tạo của bản thân.
+ Khi ghi chép, cố gắng lấy càng nhiều ví dụ trong thực tế càng nhiều càng tốt. Với các ví dụ cụ thể, các vấn đề lý thuyết trở nên gần gũi và cũng giúp bạn xác định được các chủ đề nghiên cứu khi bạn muốn nghiên cứu khoa học.
b- Kỹ năng nghe viết
Ghi chép hiệu quả là một trong những kĩ năng quan trọng mà tất cả mọi người đều phải học . Đối với sinh viên nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi sẽ không còn cách học truyên thống thầy đọc trò chép như ở THPT , sinh viên phải nghe thầy giảng và tự ghi chép theo ý hiểu của mình . Dưới đây tôi xin đưa ra một mẹo nhỏ giúp các bạn ghi chép có hiệu quả hơn :
- Tích cực nghe , động tác này sẽ giúp bạn thấy được dễ dàng hơn trong việc lựa chọn và phân tích những điểm quan trọng mà người giảng nhấn mạnh . Ghi chép nên tập chung vào những kiến thức này , nó đang cần thiết hoặc sẽ rất cần thiết đối với bạn sau này
- Tích cực quan sát , hãy nắm bắt cách thể hiện trên khuôn mặt người giảng , điệu bộ , cử chỉ và âm lượng trầm bổng của người đó . Chú ý tới những gi mà người dậy nhắc lại và những điều ghi trên bảng . Nên ngồi càng gần người dạy càng tốt , nó sẽ giúp bạn dễ nắm được những manh mối quan trọng hơn .
- Đọc trước , hãy đọc trước tài liệu và tìm kiếm càng nhiều thông tin càng tốt . Những kiến thức đã chuẩn bị này sẽ giúp bạn xác định được những điểm quan trọng trong bài giảng .


c-Kỹ năng quản lý thời gian tự học
Thời gian là một nhân tố quan trọng trong hoạt động của những người lao động trí óc , bao gồm cả sinh viên Đại học và cao đẳng . Hoạt động học tập ở đây là một quá trình làm việc căng thẳng mà trong đó người sinh viên phải hoàn thành một khối lượng công việc rất nặng nề và đa dạng trong một khoảng thời gian rất hạn chế . Quan lý được thời gian tự học sẽ giúp bạn bớt được tình trạng quá tải trong học tập ( hay xảy ra trong thời kỳ thi học phần hoặc thi chuyển giai đoạn ) , duy trì hoạt động học dẻo dai , bền bỉ trong suốt quá trình học tập …
Để quản lý tốt quỹ thời gian tự học , khi phân phối quỹ thời gian tự học , sinh viên cần thực theo những quy tắc sau :
- Phải căn cứ trên cở sở kế hoạch học tập đã xác định .
+ Tổng thời gian tự học phải lớn hơn thời gian học tập có hướng dẫn
+ Tổng thời gian dành cho học tập ( bao gồm cả tự học và học có hướng dẫn) phải đảm bảo cân đối với tổng thời gian dành cho các hoạt động khác như ăn , ngủ , đi lại vui chơi , giải trí chứ không thể ít hơn.
- Phải căn cứ theo sự biến thiến khả năng làm việc của con người trong phạm vi một ngày đêm . Theo các nhà khoa học , trong phạm vi 24h của một ngày làm việc trí óc , khả năng làm việc của con người là không ổn định và biến thiên . Con người có thể đạt được khả năng làm việc cao nhất từ 8h đến 12h sang , khả năng này giảm sút vào 12h đến 14h chiều , rồi lại tăng trong khoảng 14h chiều đến 17h chiều , khả năng này giảm rất nhanh vào vào buổi tối và giảm xuống mức thấp nhất vào ban đêm do sự thấm mệt sau một ngày làm việc căng thẳng . Vì vậy sinh viên cần cố gắng bố trí thời gian tự học vào những khoảng thời gian nói trên để có thể đạt được hiệu suất học tập cao nhất .
- Phải biết xây dựng một kế hoạch thời gian cụ thể phù hợp với công việc và nền nếp sinh hoạt của con người nhằm tạo được một nhịp điệu thời gian ổn định trong phạm vi 24h mỗi ngày làm việc . Nhịp điệu thời gian càng ổn định bao nhiêu thì hiệu quả công việc sẽ càng cao .

III- Kết luận
Như vậy , có thể khẳng định phương pháp học tập là cái quyết định đến kết quả học tập của mỗi người học . Tuy nhiên , hiện nay còn khá nhiều sinh viên (đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất ) chưa xây dựng phương pháp học tập hiệu quả . Chính vì vậy , các trường cần chú ý quan tâm giúp đỡ làm tốt công việc này , coi như đó là một biện pháp giúp họ thể hiện tính độc lập tổ chức , tính có kế hoạch cao trong học tập , đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo . Nếu như giảng viên trước khi được phép đứng lớp phải đạt chứng chỉ “phương pháp giảng dạy đại học” thì sinh viên cũng cần phải được trang bị về “ phương pháp học tập đại học”.
Trường ĐHSPHN là nơi đào tạo ra những giáo viên tương lai cho đất nước . Vì thế trường học của chúng ta phải hơn các trường khác về mọi mặt . Để nâng cao chất lượng dạy chúng ta đã đào tạo được đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm , vấn đề còn lại là nâng cao chất lượng sinh viên , thiết nghĩ nghĩ cái quan trọng là phải trang bị cho họ kiến thức về các mô hình học tập khác nhau có thể áp dụng ở bậc đại học . Nhà trường nên thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận để tạo điều kiện cho sinh viên trao đổi kinh nghiệm học tập , huấn luyện cho sinh viên làm quen với viêc tự học , tự định hướng cho việc học của mình , tự tìm tài liệu , chủ động lên kế hoạch học tập cho bản thân cũng như chủ động thảo luận bài học với bạn học và giảng viên dạy
Nói tóm lại , phương pháp là vấn đề then chốt giúp sinh viên phát huy khả năng trong học tập và việc học sẽ bớt khó khăn hơn .
Nếu như gặp khó khăn trong việc tự lập phương pháp học tập , bạn có thể tham khảo phương pháp học tập của những người học giỏi trong trường lớp mình . Đó có thể là khởi nguồn cho một phương pháp bạn ưa thích . Và khi đã có được phương thức học tập cho riêng mình và nghiêm túc thực hiện , nó sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh chóng trong học tập .
Trên đây là một số ý kiến mang tính chủ quan của bản thân , mong có sự trao đổi từ bạn đọc trên hành trình đi tìm phương pháp học tập hiệu quả .
*Danh mục tài liệu tham khảo
1- Sách
•Bác Hồ với giáo dục , GS Nguyễn Như Ý & TS Nguyễn Thị Tình, NXB giáo dục , 2005
• Phương pháp học tập siêu tốc, Bobbi Dporter & Mike Hernach , NXB tri thức , 2007
2- Tạp chí và nghiên cứu giáo dục
• Tạp chí giáo dục , số 109 / 2005
• Nghiên cứu giáo dục , số 4 / 1990
• Nghiên cứu giáo dục , số 10 / 1970
• Nghiên cứu giáo dục , số 1/ 1980
• Nghiên cứu giáo dục , số 2 / 1998
3-Trang Web
• Kinangsong.xitrum.net/hocduong/135.html
• Studys.net/Vietnamese/aspire.html
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 10
Join date : 25/09/2009

https://hsvqldg.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết